EGO tham vọng Hồi sinh sông Tô Lịch

HIỆN TRẠNG SÔNG TÔ LỊCH

“Dòng sông Tô Lịch là sự phản ánh rõ ràng nhất về sự xuống cấp của đô thị!”

Như một quy luật của tự nhiên, mỗi thành phố có bề dày lịch sử văn hóa thường gắn liền với các dòng sông. Paris được người ta nhớ đến với sự lộng lẫy, kiêu sa vì có dòng sông Seine chảy qua. Không phải ngẫu nghiên mà sông Seine được khoác lên mình những chiếc cầu lịch sử của nước Pháp. Sông Seine là lịch sử là cái hồn của Paris và đấy cũng là lý do để các kiến trúc sư sử dụng cái tài sắp đặt của mình để đưa tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà, cung điện Louvre…. đến 2 bên dòng sông.

Sông Seine – Pháp

Hay đến nước Anh, chúng ta sẽ thấy cây cầu mang phong cách Tân Gothic “Tower Bridge” được đặt lên dòng sông Thames là minh chứng rõ ràng nhất cho lịch sử. Nếu ví London là trái tim của nước Anh thì dòng sông Thames là mạch máu luôn chảy nuôi dưỡng trái tim ấy khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.

Sông Thames – London

Qua nước Ý người ta xem Roma như thành phố vĩnh cửu vì kiến trúc cổ của người La Mã cổ đại vẫn còn tồn tại. Người La Mã đã bắt đầu tạo nên cái nôi của nền văn minh phương Tây bằng việc xây dựng pháo đài, cung điện, đấu trường tại bãi cạn ven sông Tiber.

Sông Tiber - Rome, Ý - Dự án Hồi sinh sông Tô Lịch - egolandscape

Sông Tiber – Rome, Ý

Hà Nội – Thăng Long xưa cũng vậy, dòng sông Tô Giang là nơi đã ẩn chứa những huyền tích, những truyền thuyết về lịch sử hình thành thủ đô ngàn năm văn hiến.

 

Dòng sông Tô Giang chảy qua Hoàng Thành Thăng Long xưa

Nhưng có vẻ như dòng sông Tô Lịch kém may mắn hơn so với những dòng sông phương Tây. Trái ngược với dòng sông Seine thơ mộng, sự yên bình của dòng sông Thames hay sự kiêu hãnh của dòng sông Tiber khi nhắc về lịch sử; người ta chỉ biết dòng sông Tô Lịch với màu đen của nước thải, là hình ảnh xấu xí nhất của thành phố. Trong mắt của những đứa trẻ sông Tô Lịch là nơi hôi hám, bẩn thỉu. Trong mắt của một nhà kinh tế thì sông Tô Lịch không mang lại giá trị nào mà còn làm nhà đất, hàng hóa ế ẩm nếu ở bên cạnh dòng sông. Còn trong mắt của một nhà phân tích đô thị “Dòng sông Tô Lịch là nơi phản ánh rõ ràng nhất về sự xuống cấp của đô thị!”. Con sông đang bị hắt hủi trên chính mảnh đất của nó. Mà người ta không biết rằng dòng sông đã ôm trọn, che chở cho Hoàng Thành Thăng Long hơn nghìn năm nay. Suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước những vùng đất mà dòng Tô Giang chảy qua đã sản sinh ra bao nhiêu anh hùng dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn của những cao nhân mà thơ văn và nhân cách của họ đã lay động bao nhiêu tâm hồn người con nước Việt. Chắc cũng đã đến lúc chúng ta phải tự hỏi: Con người đã làm gì để dòng sông đang “đau” về “thể xác” lẫn “tinh thần” như thế?

Phân tích về yếu tố Kinh tế – Xã Hội: Kinh tế và dân số đang tăng lên là sự tất yếu của phát triển đô thị. Đô thị hóa quá nhanh, mật độ dân số tăng cao, hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu do sự phát triển nhanh chóng, yếu kém trong các khâu quản lý nguồn nước thải dẫn đến các nguồn nước thải từ các quán ăn, hộ dân cư, xí nghiệp nhà máy xả thẳng ra sông mà không lường trước được hậu quả của nó.

Phân tích về yếu tố Lịch sử: Trước đây dòng sông Tô Lịch được nối với Hồ Tây và sông Hồng chảy đến các huyện Thường Tín và Thanh Trì thì chảy ra sông Hồng – phía Nam thành phố Hà Nội. Sau thời gian thực dân Pháp tiến hành mở rộng và quy hoạch thành phố, sông Tô Lịch bị cắt đứt dẫn đến không có nguồn nước tự nhiên cung cấp cho dòng sông. Từ đấy đến nay dòng sông chỉ được cấp nước bằng nước mặt và các nguồn nước thải.

(Còn tiếp….)

Theo Quốc Tuấn – EGO team