Architect Toyo Ito – “Architecture and Nature” / KTS Toyo Ito – “Kiến trúc và Thiên nhiên”
Within the framework of the Japanese Architecture Forum taking place in 2 days (February 20-21, 2017) at GEM Center, Ho Chi Minh City by the International Architecture Activities Support Fund (JSB), the Japan Association of Architects (JIA) ), Delphi Research Institute and Vietnam Association of Architects co-organized, architect Toyo Ito gave a very impressive talk to Vietnamese architects. The most anticipated presentation of the year opened in a very sincere way: “Vietnam is on the path of Modernization, this process will destroy many valuable old works. Vietnam as well as some Asian countries are currently influencing European Architecture too much. Right now we need to return to the essence of Asia – which is “Living with Nature”. The architecture I create is mainly with the desire for people to be most comfortable in their space”…
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kiến trúc Nhật Bản diễn ra trong 2 ngày (20-21/2/2017) tại GEM Center, TP HCM do Quỹ hỗ trợ hoạt động Kiến trúc Quốc tế (JSB), Hiệp hội KTS Nhật Bản (JIA), Viện Nghiên cứu Delphi và Hội KTS Việt Nam đồng tổ chức, KTS Toyo Ito đã có một bài nói chuyện rất ấn tượng với giới KTS Việt Nam. Bài trình bày được mong đợi nhất trong năm đã được mở đầu một cách rất chân thành: “Việt Nam đang trên con đường Hiện đại hóa, quá trình này sẽ phá hủy nhiều công trình cũ có giá trị. Việt Nam cũng như một số nước Châu Á hiện nay đang ảnh hưởng Kiến trúc Châu Âu quá nhiều. Ngay bây giờ chúng ta cần quay lại bản chất Châu Á – đó là “Chung sống với Thiên nhiên”. Kiến trúc tôi tạo ra chủ yếu với mong muốn cho con người thoải mái nhất trong không gian của họ”…
KTS Toyo Ito bắt đầu câu chuyện một cách chậm rãi: Đây là hoa Anh Đào, biểu tượng của nước Nhật. Hàng năm, hình ảnh mọi người nhảy múa, ca hát dưới gốc Hoa Anh Đào là một nguồn cảm hứng và với tôi, đó là điểm mấu chốt của kiến trúc Nhật Bản. Đây là tán của các cây hoa Anh Đào, dưới gốc cây, mọi người đang tự do chọn cho mình một khoảng trống để quây quần, Và đây chính là bước đầu tiên của tôi: “Tạo ra địa điểm, nơi chốn”
Đây là hình ảnh các cột gỗ được dựng lên tạo 1 khoảng trống bên trong. Đây là bước tiếp theo “Thiết lập yếu tố bao bọc để tạo thành 1 nơi chốn khác biệt”. Yếu tố bao bọc này có thể chỉ là 1 cái màng, một hệ cột, một vài gợi ý về cách sắp xếp, phần còn lại để mọi người được tự do lựa chọn cho mình một chỗ an toàn, vui vẻ và tự nhiên nhất.
Bước cuối cùng: “Cột, Tường, Mái, Sàn…. có thể nói lên điều gì?”. Là những yếu tố của kiến trúc, Cột, tường và sàn có thể được hiểu như thế nào? Chúng tham gia như thế nào vào ý tưởng của Kiến trúc”.
Sau những mở đầu về triết lý thiết kế và các lập luận cho những ý tưởng của mình, Ito đã nói lên vai trò của từng thành phần kiến trúc trong việc diễn đạt ý tưởng thông qua 7 công trình tiêu biểu của ông (Trong bài này, người viết xin giới thiệu 6/7 công trình đó dựa trên lời diễn thuyết của ông)
SENDAI MEDIATHEQUE (1997-2000)
Cột có thể không phải là cột mà nó là những thân cây không đều nhau. Có tất cả 13 cây cột.
Vách ngăn sẽ không có và con người đi trong công trình như đang đi trong rừng. Trẻ em, người lớn, người già và cả sinh viên cùng nhau chia sẻ không gian đọc.
Chủ nghĩa Siêu duy lý của Toyo Ito thể hiện rất rõ trong công trình này. “Tính Phù du” là nguyên tắc thẩm mỹ của Nhật Bản. Những cây cột trở nên như rong rêu. Trong Diễn đàn Kiến trúc Việt – Nhật, ông mô tả những cây cột này như thân cây Hoa anh đào… dù là gì, những cây cột này cũng đang diễn tả đúng cái cách “Làm mờ đi ranh giới Kiến trúc bên trong và bên ngoài nhà” của Ito.
SÂN VẬN ĐỘNG OLYMPIC TOKYO
Ito tiếp tục quay trở lại câu chuyện cái cột, ở công trình này 72 cây cột biểu tượng làm bằng gỗ chạy xung quanh tạo thành khoảng không gian trống giống như khoảng trống dưới gốc Hoa Anh Đào.
Sân vận động này dành cho 68 nghìn người, vượt khẩu độ lớn mà cột làm bằng gỗ thì thiếu khả thi. Qua nghiên cứu di tích Kiến trúc cho thấy: Nhật Bản, Việt Nam hay Trung Quốc khá giống nhau, Olympic này là nơi xảy ra World cup vì vậy nên là kết nối Châu Á chứ ko chỉ là Nhật Bản. Vì vậy, Toyo Ito chọn giải pháp tạo hình đơn giản.
Có tới 99% các sân vận động có vách ngăn hoặc tường kín, sân Olympic này sẽ rỗng, để đón gió từ bên ngoài. 72 cây cột tạo thành không gian rỗng để mọi người chỉ cảm giác được ở trong thiên nhiên chứ không bị tách khỏi thiên nhiên.
GIFU MEDIA COSMOS (2011-2015)
Công trình hình chữ nhật 2 tầng kích thước 90mx80m. Ở đây, Ito đã tạo ra 11 cái Chao lớn như 11 cái dù thả từ trên xuống với những hình dạng và kích thước khác nhau và đều bằng Polyester. Những chiếc Chao này lấy ánh sáng khuyếch tán từ mái. Con người tự do đi lại và lựa chọn chỗ ngồi đọc. Họ đọc sách và có các hoạt động vui vẻ dưới những vòm ánh sáng này.
Các hình xoáy trôn ốc là các giá sách được sắp đặt xung quanh các vòm sáng.
Năng lượng được cắt giảm 50% so với các công trình tương đương do điều hòa không khí bằng bức xạ nhiệt lấy từ dưới sàn. Khu vực đọc sách không ngăn cách và được lấy sáng hoàn toàn bởi ánh sáng tự nhiên. Cây Bách Nhật là sản vật vùng này, các mái lượn sóng được tạo ra bằng gỗ cây Bách Nhật.
TAMA ART UNIVERSITY LIBRARY (2007)
Vai trò của tường: Thông thường, tường sẽ bao quanh không gian phòng. Ở đây KTS Ito đã tạo ra hình ảnh giống những tường thành cổ ở Roma. Tường mỏng, khoảng cách nhịp cột không giống nhau và tất cả các cột có mặt bằng hình chữ nhật nhưng lưới cột không thẳng mà chạy cong nhẹ.
Hệ thống tường bê tông theo cách thiết kế này sẽ rất tự nhiên, các cột lên cao tỏa rộng như tán cây cho không gian đọc cửa sổ lớn. Các không gian không còn tường ngăn, lại một lần nữa ranh giới giữa trong và ngoài nhà, ranh giới giữa thiên nhiên và con người “bị làm mờ đi”.
MUSEO INTERNACIONAL DEL BARROCO
Ở công trình bảo tàng này, tất cả các tường không vuông góc và chạm nhau, chúng nối với nhau rồi tách nhau ra để tạo thành các khe sáng. Những đường cong của bức tường giống như tờ giấy gập tự nhiên. Người ta có thể tự cảm nhận về những bức tường theo cách riêng của mình. Con người đi len lỏi trong các không gian bảo tàng thông qua những nếp uốn tự nhiên này.
Đường cong và độ mỏng của bê tông, độ mỏng của cột thép cho công trình sự nhẹ nhàng, kính mở từ trần đến sàn để cảm nhận rõ nhất về tường. Tường có thể có những biểu hiện rất tốt, ở đây những bức tường ngẫu hứng, tự nhiên được soi trên mặt nước.
NATIONAL TAICHUNG THEATER
Nhà hát quốc gia Đài Chung, Đài Loan có các mảng tường được bẻ cong trên 3 chiều và từ đó tạo thành các không gian khác nhau, biến đổi liên tục. Nhờ vào công nghệ, Ito đã tạo ra cấu trúc từ lưới vuông sau đó biến hình dần. Cứ 10 cm lại một lần thay đổi mặt cắt, mặt cắt qua 10cm biến đổi dần trở thành cấu trúc mềm. Việc thi công hết sức khó khăn và tỷ mỉ, Nó đòi hỏi người thợ phải khéo léo. Thi công công trình này mất 2 năm, phần thi công thép cho tường là vất vả nhất.
Kết quả của sự biểu hiện này: Chúng ta không nhìn thấy đâu là cột, đâu là tường và đâu là sàn một cách rõ ràng. 3 thành phần này của kiến trúc đã bị xóa nhòa ranh giới. Con người di chuyển trong không gian này sẽ có cảm nhận về sự tự nhiên.
Kết thúc bài trình bày KTS. ITO kết luận: “Hiện nay con người dựa vào công nghệ ngày càng nhiều, tư tưởng “Con người có thể thống trị thiên nhiên” bị đè nặng lên chúng ta. và chúng ta cần phải có một quan niệm khác. Chúng tôi muốn thay đổi cách nghĩ này bằng thông điệp: “Con người sẽ sống chung, hài hòa với thiên nhiên”!…
Những triết lý sâu xa lại được trình bày hết sức đơn giản, giản dị, các quan điểm thiết kế của KTS Toyo Ito khi nêu lên đều có sức nặng và tính thuyết phục.
Ngẫm lại những điều Ito nói về triết lý thiết kế của ông: Nền tảng chính thống về học thuật và sâu xa hơn là nền tảng văn hóa đã giúp Ito có được những cái nhìn sâu sắc, ra khỏi những nguyên lý thông thường trong kiến trúc để biểu đạt được khao khát bên trong của mỗi con người: Đó là sự hài hòa, sự kết nối con người với con người, kết nối con người với tự nhiên – Sự trân trọng văn hóa, trân trọng quá khứ đã tạo ra tinh thần này.
TS.KTS Nguyễn Hạnh Nguyên
Trường ĐH Kiến Trúc TP. HCM