Thirst for landscape in Vietnam – Italy’s squares and reflections on Vietnam’s public landscape / Cơn khát cảnh quan tại Việt Nam – Quảng trường của nước Ý và ngẫm về cảnh quan công cộng của Việt Nam

Những ngày đầu thu trước khi sang nước Ý tu nghiệp, tôi tranh thủ đọc cuốn sách “Nước Ý câu chuyện tình của tôi ” của nhà báo Trương Anh Ngọc, người si mê nước Ý đến mức yêu cả cái thùng rác và tiếc nuối khi biết quán Tiramisu ngon nhất Rome sẽ được bán lại cho người Trung Quốc, anh nói đùa rằng “Mọi ổ gà đều dẫn tới thành Rome”. Đấy là cái nhìn của một nhà báo. Còn dân kiến trúc ai cũng biết câu nói cửa miệng ” All roads lead to Rome” (mọi con đường đều dẫn tới thành Rome) rồi hình ảnh các thức cột, tượng, đền đài, nhà thờ… nhưng rồi khi đặt chân đến Ý thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác, câu chuyện về những quảng trường.

Những ngày đầu đi học tôi thường xuyên đạp xe từ kí túc xá tới trường, cứ cách vài trăm mét tôi sẽ băng qua một quảng trường , ngay bên cạnh hay trung tâm quảng trường là nhà thờ, sau đó tôi lại đi vào những con đường nhỏ lát đầy sỏi, nghe lộp bộp khi những chiếc Fiat lướt qua, và rồi tiếp tục mở ra một quảng trường hoặc là một khu vườn, một công viên – đây là một hình ảnh rất đặc trưng của các thành phố tại Ý. Những ngày bình thường thì không có gì đặc biệt nhưng hai ngày trong tuần sẽ có chợ phiên rất đều đặn, người dân từ khắp các vùng đưa những chiếc xe-cửa hàng di động của mình tới quảng trường rồi bán hàng cho mọi người trong thành phố, đó là một khung cảnh rất nhộn nhịp nhưng trong trật tự. Chính quyền thành phố còn cho làm một con đường dành riêng cho người đi bộ trên trục đường xung quanh cái lõi thời Trung Cổ của nó, thấy ai cũng thong thả đi bộ, đạp xe, dắt cún đi dạo ngắm nhìn bầu trời xanh ngắt và trong veo của biển Địa Trung Hải.

Mùa hè đến, các công viên quảng trường đầy ắp các sự kiện văn hóa ngoài trời kéo dài suốt mùa, cái tôi cảm nhận rõ ràng nhất sau mùa hè đầu tiên ở nước Ý là người dân ở đất nước này họ thật sung túc, thật giàu có về văn hóa ngoài trời, lúc đó tôi mới biết Việt Nam đang thiếu gì.

Chợ phiên tại quảng trường thành phố Arezzo - vùng Tuscany - Italy.

Chợ phiên tại quảng trường thành phố Arezzo – vùng Tuscany – Italy. Nguồn: http://www.citi.io

Trong bài viết này, tôi sẽ không bàn đến chuyện tại sao lúc nào cũng có nhà thờ tại bất kỳ quảng trường nào của Ý, hay nó sẽ được thay bởi tòa thị chính khi đến Pháp, đó là câu chuyện văn hóa của từng nước, nhưng sẽ mổ xẻ đánh giá nó theo tính chất theo cái nhìn từ quy hoạch, kiến trúc và cả dưới góc độ xã hội học và sau cùng là rút ra vai trò cốt lõi của quảng trường – hay không gian mở đối với đô thị.

Trước tiên cần biết rằng các thành phố ở Ý rất nén (compact city), một mô hình thành phố bền vững (sustainable cities) theo cách Richard Roger mô tả trong cuốn ” cities for a small planet “. Mật độ xây dựng rất cao nhưng không bị chuyện ô nhiễm môi trường hay điều kiện sống thấp kém như các đô thị lớn ở Việt Nam. Ví như Milan là trung tâm kinh tế thời trang của Ý nhưng chỉ có hơn 3 triệu dân với biên giới giữa đô thị và ngoại ô rất rõ ràng, chính vì sự nén và cô đặc đó mà các quảng trường và công viên có ý nghĩa sống còn đối với một đô thị rất nén, nó mang lại cảm giác đóng mở chân thực cho cảnh quan đô thị.

Quảng trường luôn rõ ràng với hình ảnh các tòa nhà bao bọc xung quanh, các tòa nhà không quá cao, chỉ khoảng 5 tầng, như Jan Gehl – Kiến trúc sư, nhà quy hoạch người Đan Mạch đã phân tích về quảng trường của Ý trong cuốn sách “Cities for people”: hiếm có quảng trường nào rộng quá 100m ở Ý nói riêng và ở Châu Âu nói chung, vì trong tỉ lệ đó con người có thể quan sát, lắng nghe được các hoạt động ngoài trời với các chi tiết rõ ràng.

Quảng trường trung tâm thành phố Siena- Italy (Cơn khát cảnh quan tại Việt Nam)

Quảng trường trung tâm thành phố Siena- Italy. Nguồn: Google Earth

Chính vì vậy quảng trường Ý hoạt động rất tốt với chức năng của nó, tỉ lệ của quảng trường đã tạo ra một không gian lí tưởng cho các sự kiện văn hóa ngoài trời.

Xét về khía cạnh xã hội học, trong cuốn sách “Public realm” (vũ đài công cộng) của Lyn loftland, bà có nhấn mạnh rằng con người khi đứng ở không gian ngoài trời luôn có xu hướng thích quan sát người khác nhưng không muốn tỏ ra rằng mình có sự tò mò đặc biệt đối với những người lạ xung quanh (nguyên văn: “Thestrangers act like they appreciate the existance of the others but try to express that he does not have to special curiosity on the other strangers“), bà xem không gian công cộng là một sân khấu hoặc cũng có thể là một khán đài, người ta có thể lựa chọn trở thành công chúng hoặc diễn viên, đó là bản chất của không gian công cộng. Một không gian mở hay quảng trường chính là chất xúc tác hoàn hảo cho bản năng tự nhiên đó của con người.

Jan Gehl cũng đã nhấn mạnh một không gian công cộng tốt cần mang lại tỉ lệ thân thiện tốt với con người (humanscape) ông đã lấy ví dụ về cảnh quan của trung tâm hành chính của Brazil tại thành phố Brasilia là một không gian với tỉ lệ phi con người, nó quá rộng và quá loãng để cảm thấy thân thiện với người sử dụng không gian.

Trung tâm thành phố Bracilla (Cơn khát cảnh quan tại Việt Nam)

Trung tâm thành phố Bracilla. Nguồn: http://www.theapricity.com

Ông cũng nhấn mạnh thứ mà Lyn loftland quan tâm: cơ hội được ngồi và quan sát (Nguyên văn: ” the stationary activities are the most common ones within the public space“), những hoạt động liên quan tới hành vi ngồi và quan sát là những hoạt động phổ biến nhất trong không gian công cộng. Đơn giản như tại Ý việc những bậc tam cấp từ nhà thờ hướng về quảng trường nơi rất nhiều thanh niên và các cặp đôi ngồi trò chuyện tán gẫu quan sát là một hình ảnh minh chứng cho điều đó. Một khi những không gian mở như quảng trường, công viên hoạt động tốt, nó sẽ trao cho con người rất nhiều sự tương tác, sự chia sẻ và định nghĩa về văn hóa công cộng. Đó chính là sự dân chủ, là chức năng số một của các forum của nước La Mã cổ đại.

Quảng trường Santa-croce- Florence (Cơn khát cảnh quan tại Việt Nam)

Quảng trường Santa-croce- Florence. Nguồn: thatsflorence.com

Ngẫm về Việt Nam, đây là điều mà các đô thị ở Việt Nam vô cùng thiếu, là một căn bệnh mà người bệnh không biết mình có bệnh, người thành thị có quá nhiều sự riêng tư, thiếu chia sẻ, họ không có không gian để quan sát, không gian ngoài trời dành quá nhiều cho xe máy ô tô, không có chỗ cho người đi bộ. Xét trên quan điểm cá nhân, tôi không thấy bất cứ nơi nào xứng đáng gọi là “quảng trường”. Hay tại bởi dưới cái nóng gay gắt của xứ nhiệt đới, người ta thích đi dưới các hàng cây hơn ? Vì cái căn nguyên ở chỗ khi quy hoạch, người ta không nghĩ nhiều tới đến hình thái không gian. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, bức xạ mặt trời rất mạnh nên nếu nói rằng cần nhiều công viên hơn quảng trường nghe có vẻ hợp lí nhưng theo cá nhân tôi quảng trường nếu được nhiệt đới hóa, được xanh hóa với nhiều bóng mát vẫn đóng vai trò quan trọng hơn. Vì chúng ta đang rất khát không gian mở, không gian để hình thành nên văn hóa công cộng và sự tương tác.

Về Việt Nam tôi thấy nhịp sống ngoài trời khá nghèo nàn, người ta chỉ biết ra khỏi nhà, đi lượn trên đường, mua sắm, cà phê, xem phim, lê la quán xá… mọi thứ hầu hết phải trả tiền để sử dụng không gian, nói chung nhịp sống trung gian giữa nơi ở tới chỗ làm hay từ trường học tới nơi ở còn đang rất đơn giản. Có lẽ rằng không nên phân biệt quá rõ ràng giữa công viên quảng trường hay không gian mở, mà nên quy nó thành một khái niệm mà gần đây giới quy hoạch, cảnh quan hay gọi là” Đô thị học cảnh quan “(Landscape urbanism)“.

Sự thay đổi rất rõ ràng khi Hà Nội và Sài Gòn lần lượt mở các tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm và phố Nguyễn Huệ, người ta có thể thong dong đi bộ giữa lòng đường mà không sợ xe cộ, người nghệ sĩ có một sân khấu ngoài trời tự do biểu diễn (Đi bộ sẽ là một chủ đề được bàn cụ thể hơn ở tập sau). Chúng ta có thể cảm nhận được sự sống động của văn hóa công cộng rất non trẻ ở Việt Nam, ai cũng được hưởng thụ được sử dụng nó, không phân biệt giàu nghèo tầng lớp xã hội, không phải bỏ tiền ra để mua nó, đó đơn giản là sự dân chủ, là điều không ai có thể phủ nhận.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội (Cơn khát cảnh quan tại Việt Nam)

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội. Nguồn: dantri.com.vn

Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Sài Gòn (Cơn khát cảnh quan tại Việt Nam)

Phố đi bộ Nguyễn Huệ – Sài Gòn. Nguồn: www.vietnamtourism.com

Những gì mà Hà Nội và Sài Gòn đang làm là rất tích cực tuy nhiên vẫn còn quá khiêm tốn, chúng ta phải hướng đến sự sung túc về văn hóa ngoài trời như các đô thị ở Ý, hoặc đi học hỏi những thành phố khác, như Newyork chẳng hạn. Nó thực sự lột xác khi người ta cho xây tuyến đường đi bộ trên cao (Highline) từ hệ thống đường sắt đô thị bỏ hoang và quảng trường Thời đại (Time Square) đã được thiết kế lại để ưu tiên cho người đi bộ.

Phải chăng đó cũng là một gợi ý để cải tạo cầu Long Biên thành tuyến đi bộ kéo dài tới ga Hà Nội, với tầm  nhìn đấy sẽ có hy vọng cho một highline thứ hai tại Hà Nội?

 

Tuyến đi bộ trên cao - Newyork - Hoa Kỳ (Cơn khát cảnh quan tại Việt Nam)

Tuyến đi bộ trên cao – Newyork – Hoa Kỳ. Nguồn: Internet

Còn tiếp…

Hà Đức Cương – EGO Group Team

Tập 2: Chuyện đi bộ và cảnh quan 5km/h